This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Cúc hoa làm thuốc

Hỏi: Xin cho hỏi cách thu hái cúc hoa để làm thuốc như thế nào?

(Trần Văn Cường - Hà Nội)

Trả lời: Cúc hoa còn gọi là cam cúc hoa, bạch cúc hoa, cúc hoa trắng, cúc điểm vàng, Hoàng cúc.

Tên khoa học Chrysanthemum sinense Sabine.

Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).

Cúc hoa (Flox Chrysanthemi) là hoa cúc phơi hay sấy khô. Người ta còn dùng cả hoa của cây cúc hoa vàng hay dã cúc, kim cúc, cúc riềng vàng Chrysanthemum indicum L. (Chrysanthemum procumbens Lour.) cùng họ.

Cúc là cùng tận: tháng 9 hoa cúc nở sau cùng.

Mô tả cây

Cây hoa cúc trắng (Chrysanthemum sinense là một cây sống hai năm hay sống dai, thân mọc thẳng đứng, có thể cao 0,5 - 1,4m, toàn thân có lông trắng mềm. Lá mọc so le, cuống dài 1 - 2,5cm có lông trắng, phiến lá hình trứng hay hơi thuôn hai đầu tù dài 3,5 - 5cm, rộng 3 - 4cm, chia thành 3 - 5 thùy mép có răng cưa và lượn sóng, mặt dưới nhiều lông màu trắng mốc. Cụm hoa hình đầu, màu trắng hay hơi tía ở phía ngoài, vàng ở giữa, mọc ở đầu cành hay kẽ lá.

Cây cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum) là một cây mọc thẳng đứng cao chừng 90cm. Phiến lá hình 3 cạnh tròn, thùy xẻ sâu. Cụm hoa hình cầu, đường kính nhỏ hơn loài hoa cúc nói trên, thường chỉ độ từ 1 - 1,5cm (loài trên đo được 2,5 - 5cm). Hoa trong và ngoài đều màu vàng.

Phân bố thu hái và chế biến

Cây hoa cúc được trồng nhiều ở ta để lấy hoa làm thuốc hay ướp chè, nấu rượu.

Trồng bằng mẩu thân, dài chừng 20cm. Mùa trồng tốt nhất là các tháng 5 - 6. Sau 4 - 5 tháng bắt đầu thu hoạch (trồng cuối tháng 5 thu hhoạch tháng 9, trồng trong tháng 6 thu hoạch tháng 10 - 11). Có thể trồng ngay từ tháng 3, đến tháng 6 thì phát trụi bằng đi, sau đó cây lại nẩy mầm, tháng 10 thu hoạch hoa nhiều và tốt hơn.

Thu hoạch hoa bắt đầu từ tháng 9 hay tháng 10. Tùy theo sự chăm sóc, thu hoạch được nhiều hay ít đợt. Làng Nhật Tân do tưới bằng khô dầu nên thu hoạch được nhiều đợt từ lứa đầu thu hoạch vào tháng 9 đến tháng 3 năm sau là lứa cuối cũng có thể hái tới 7 đợt. Làng Nghĩa Trai (Hưng Yên) bón bằng phân trâu bò nên chỉ thu hoạch có 4 đợt. Lứa thu hoạch đầu và cuối kém.

Cây cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum

Cây cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum

Hiệu suất trồng vườn là 2 tấn khô một hecta, cúc ruộng là 850kg hoa khô 1 hecta. Sau khi thu hoạch lứa cuối cùng , người ta cuốc từng bụi thu vào một góc vườn. Không để giống ở ruộng hay ở vườn. Vì cây cúc vàng hiệu suất cao hơn cho nên hiện nay người ta thường hay trồng loại cúc vàng. Hiệu suất cúc trắng chỉ bằng 1/3 cúc vàng.

Hái hoa về, đem quây cót rồi sấy diêm sinh độ 2 - 3 giờ, thấy hoa chín mềm là được, nếu hoa còn sống sẽ hỏng). Sau khi sấy diêm sinh, đem nén, trên đè càng nặng càng tốt. Nén độ 1 đêm thấy nước chảy ra đen là được, đem phơi độ 3 - 4 nắng nữa mới được. Nếu trời râm thì đêm phải sấy diêm sinh. Cứ 5 - 6kg hoa tươi cho 1kg khô.

Công dụng và liều dùng

Theo tài liệu cổ, hoa cúc trắng có vị ngọt, đắng, tính hơi hàn, cúc hoa vàng có vị đắng cay, tính ôn vào 3 kinh phế, can và thận. Có tác dụng tán phong, thấp, thanh đầu, mục, giáng hỏa, giải độc. Dùng chữa phong mà sinh hoa mắt, nhức đầu, mắt đỏ đau, nhiều nước mắt, đinh nhọt.

Hiện nay cúc hoa được dùng trong nhân dân làm thuốc chữa các chứng nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, cao huyết áp, sốt.

Liều dùng 6 - 15g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. Dùng ngoài rửa đắp mụn nhọt.

Còn dùng để ướp chè hay ngâm rượu uống.

(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)

của GS. ĐỖ TẤT LỢI

Hoa dâm bụt có tác dụng hạ huyết áp

Nghiên cứu chỉ ra rằng ngay cả những loại thuốc điều trị huyết áp phổ biến như lisinopril và hydrochlorothiazide cũng không hiệu quả bằng hoa dâm bụt trong điều trị huyết áp cao. Loại hoa này có tác dụng như một chất ức chế enzym chuyển đổi angiotensin và nó thậm chí hiệu quả hơn lisinopril. Các nhà nghiên cứu cho rằng anthocyanins (các sắc tố không hòa tan trong nước) làm cho hoa có màu đỏ sáng có thể là thành phần giúp giảm huyết áp.

Trong một nghiên cứu khác, nhóm các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hiệu quả của hydrochlorothiazide so với cây dâm bụt và họ bất ngờ khi phát hiện ra rằng loại hoa này có tác dụng hơn so với loại thuốc điều trị huyết áp phổ biến này và không gây mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng thường xảy ra khi sử dụng hydrochlorothiazide ở những người thực hiện kiểm tra. Ngoài ra, những tác dụng của hoa dâm bụt cũng kéo dài hơn hydrochlorothiazid.

Loại trà làm từ hoa dâm bụt dưới đây có thể làm giảm huyết áp của bạn mà không có tác dụng phụ như thuốc huyết áp.

Thành phần

1 bông hoa dâm bụt

1 cốc nước

1 nhánh đinh hương (tùy bạn)

1 thanh quế nhỏ (tùy bạn)

Phương pháp chế biến:

Đun nước nóng. Thả đinh hương, quế và đợi cho tới khi nước bắt đầu sôi, sau đó thả cánh hoa dâm bụt vào và giảm nhiệt độ. Đậy nắp bình và đợi nguội bớt rồi thưởng thức.

BS Thu Vân

(Theo Univadis/ THS)

Đánh bay cảm cúm nhờ húng chanh

Đánh bay cảm cúm nhờ húng chanh

Theo y học cổ truyền, húng chanh có vị cay, tính ấm mùi thơm, có tác dụng phát tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, có tác dụng giải cảm, chữa ho, chữa cảm cúm, sốt không ra mồ hôi được,… Kinh nghiệm nhân dân thường dùng lá húng chanh tươi hoặc sắc uống. Ngoài ra các cơ sở sản xuất thuốc Nam cũng thường chưng cất tinh dầu húng chanh kết hợp với một số thảo dược khác để sản xuất thuốc trị ho, cảm cúm.

Một số bài thuốc giải cảm thường dùng:

Cảm sốt, không ra mồ hôi: Húng chanh 20g, tía tô 15g, gừng tươi 5g (thái lát mỏng), cam thảo đất 15g. Sắc uống khi nước thuốc còn ấm để cho ra mồ hôi.

Đánh bay cảm cúm nhờ húng chanh

Húng chanh phối hợp với gừng tươi trị cảm cúm.

Chữa cảm hàn, ho, đau đầu, sốt không ra mồ hôi, miệng đắng: Lá húng chanh 15g, bạc hà 5g, tía tô 8g, gừng tươi 3 lát mỏng. Sắc uống ngày 1 thang.

Hoặc: Lá húng chanh tươi 50g, rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát, đổ rượu trắng lượng vừa xâm xấp, trộn đều, đậy kín. Nấu 1 nồi nước xông sôi, khi nước xông sôi thì cho bát húng chanh vào, đậy kín vung nấu sôi lại, cho người bệnh xông khoảng 5 - 10 phút, sau đó lau khô mồ hôi, thay quần áo khác và nằm nghỉ ở nơi kín gió. Không dùng xông cho trẻ em

Ngoài ra, để chữa ho do viêm họng, khản tiếng, dùng một trong các cách sau:

- Húng chanh 30g, rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, thêm vài hạt muối, nhai dập và nuốt nước dần.

- Lấy 20g lá húng chanh tươi, rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước uống 2 lần trong ngày.

- Húng chanh tươi 20g, rửa sạch, thái nhỏ; đường phèn 20g. Cho hai thứ vào bát, chưng cách thủy, chắt lấy nước, uống từ từ. Bã ngậm trong miệng mút lấy nước. Mỗi ngày làm 1 - 2 lần.

Đánh bay cảm cúm nhờ húng chanh

Húng chanh phối hợp với đường phèn chữa ho, viêm họng.

- Trẻ em khó uống thuốc có thể lấy vài lá húng chanh rửa sạch, giã nhỏ với một ít đường phèn hấp vào nồi cơm, cho trẻ uống 2 - 3 lần trong ngày.

BS. Thu Vân

Hạt muồng, vị thuốc cổ truyền giúp mát gan sáng mắt

Theo y học cổ truyền, thảo quyết minh (hạt muồng đã sơ chế) có vị ngọt đắng, mặn, tính hơi hàn, có tác dụng an thần, hạ huyết áp, mát gan, giáng hỏa, sáng mắt, nhuận tràng, thông tiện,…

Hạt muồng là hạt của cây muồng. Muồng là loại cây nhỏ, lá mọc so le, gồm 2 - 4 đôi lá chét. Hoa mọc ở kẽ lá màu vàng tươi. Quả hình trụ dài, trong chứa 15 - 25 hạt. Hạt muồng hình trụ 2 đầu vát chéo màu nâu xỉn, bóng, trông như viên đá lửa. Khi thu hái lấy quả, phơi thật khô, đập lấy hạt, sao hạt nhỏ lửa đến khi thơm, tùy theo yêu cầu điều trị có thể sao vàng hay sao cháy vị thuốc là thảo quyết minh hay quyết minh tử.

Một số đơn thuốc theo kinh nghiệm dân gian

Thanh nhiệt, làm sáng mắt, thông tiện: Thảo quyết minh 30g, gạo tẻ 100g. Thảo quyết minh rửa sạch, sao qua, gạo tẻ vo sạch. Hai thứ cho vào nồi ninh thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt, làm sáng mắt, thông tiện, thanh can ích thận, dùng thích hợp cho những người hay bị đau đầu do phong tà, đau mắt đỏ, suy giảm thị lực, táo bón mạn tính, tăng huyết áp, béo phì và rối loạn lipid máu.

Hạt muồng.

Chữa chứng khó ngủ, mất ngủ, tim hồi hộp: Thảo quyết minh 15g, tâm sen (sao khô) 6g, mạch môn (bỏ lõi, giã dập) 15g. Sắc nước uống (thời gian dùng thuốc kiêng cà phê, nước chè đặc).

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Thảo quyết minh sao cháy 12g, hoa hòe (sao vàng) 10g, cúc hoa 4g, cỏ ngọt 6g, dùng dưới dạng hãm, uống thay trà trong ngày. Một liệu trình 3 - 4 tuần.

Chữa hắc lào: Thảo quyết minh 20g, rượu 40 - 50ml, dấm 5ml. Ngâm trong 10 ngày. Lấy nước này bôi lên các chỗ hắc lào đã rửa sạch.

Chữa nấm ngoài da: Thảo quyết minh (sao khô, giã nát) 20g, cồn 50 độ 100ml. Cho thảo quyết minh vào lọ sạch có nút kín rồi rót cồn 50 độ vào, nút kín, mỗi ngày lắc một lần. Sau 10 ngày rút lấy cồn, bỏ bã, cho cồn thuốc thảo quyết minh vào lọ sạch nút kín để bảo quản. Tẩm cồn thuốc vào bông hút bôi lên nơi nhiễm nấm. Ngày bôi 3 - 4 lần liên tục đến khi khỏi.

Chữa đau mắt đỏ, mờ mắt: Thảo quyết minh sao cháy 12g, cúc hoa vàng 6g, hoàng liên 8g, cốc tinh thảo 8g, cam thảo 8g, sắc uống ngày một thang. Một liệu trình khoảng 2 - 3 tuần.

Trị táo bón: Dùng thảo quyết minh sao vàng, liều 16 - 20g/ngày, dưới dạng hãm, uống thay trà trong ngày cho tới khi phân nhuận. Hoặc: Thảo quyết minh, me chín (lấy cơm bỏ hạt), lượng bằng nhau, sấy khô tán bột mịn trộn mật ong vừa đủ làm viên, mỗi lần uống 10 - 20g trước lúc ngủ có tác dụng nhuận tràng, trị táo bón, đại tiện khó, nhất là về mùa hè nóng nực, cơ thể mất nhiều mồ hôi, tân dịch hao tổn...

Lưu ý: Trường hợp tiêu chảy không dùng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nga

Công dụng tuyệt vời ít người biết của mía

Với người Việt Nam, cây mía rất thân thuộc, nước mía là thức uống rất được ưa chuộng trong mùa hè. Không những thế, mía còn là vị thuốc từ thiên nhiên phòng và chữa nhiều bệnh. Sau đây giới thiệu một số công dụng chữa bệnh của cây mía.

Mùa nóng đi tiểu nhiều, mỗi lần ít một (đái dắt) là có thấp nhiệt, nên uống nước mía để giải nhiệt.

Nước mía gừng tươi chống khát, chống nôn, nhuận phế.

Thanh nhiệt, nhuận hầu họng (khô khát): mùa hè uống nước mía tươi (không đá). Mùa đông nấu nước mía uống nóng hoặc cho lát gừng.

Dưỡng âm nhuận táo, sinh tân chỉ khát ho khan ít đờm, người bứt rứt, họng khô, táo bón: nước mía cho gạo vào nấu cháo, ăn nóng.

Dưỡng âm, nhuận phế: dùng cho người hay ho, nóng rát cổ, giọng nói yếu. Bách hợp 50g, ngâm nước nấu nhừ sau cho nước mía 100g và nước củ cải 100g. Uống trước khi đi ngủ 1-2 tiếng.

Ho, hen do nhiệt, sổ mũi, miệng khô: mía ép giã lấy nước nấu cháo ăn.

Chữa ho gà: mía 3 lóng, rau má 1 nắm, gừng 2 lát. Cho vào 2 bát nước, sắc uống ít một.

Chữa chứng phát nóng, miệng khô, cổ ráo, tiểu tiện đỏ sẻn: nhai mía nuốt nước, hoặc nước mía hòa nước cơm mà uống.

Tư âm, dưỡng vị, chống khát, chống nôn mửa: nước mía 150ml, nước gừng 5-10 giọt. Uống từng ngụm một.

Táo bón nhiệt kết đại tràng, thở có mùi hôi, đầy bụng, nước tiểu vàng, nóng, lưỡi vàng mỏng: vỏ cây đại (cạo vỏ ngoài) 40g, phèn chua sống tán mịn 8g, nước mía 300ml cô đặc. Vỏ cây đại sao tán mịn, trộn 3 thứ luyện thành viên 0,5g. Mỗi lần uống 8 viên (4g) sáng sớm và trước khi đi ngủ. Khi thấy đi ngoài được thì thôi.

Chữa bàng quang thấp nhiệt, đái dắt, buốt, đục, viêm đường tiết niệu: mía 1 khúc (300g), mã đề 200g (cả cây), râu ngô 150g. Mía lùi sơ, rửa sạch, cắt khúc chẻ nhỏ. Cho các thứ vào sắc uống.

Viêm đường tiết niệu, đái dắt, đái ra máu: Chọn mía già bỏ vỏ ép lấy nước. Ngó sen thái nhỏ ngâm nước mía khoảng 5 tiếng. Lấy ngó sen ép lấy nước uống ngày 3 lần. Nước này có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp.

Bệnh đường tiết niệu, thanh nhiệt lợi thấp: nước ép mía 500g, hòa nước ép ngó sen tươi 500g. Chia nhỏ uống trong ngày.

Nứt kẽ môi miệng: lấy nước mía bôi ngoài, uống trong. Hoặc vỏ mía đốt tồn tính trộn ít mật ong bôi vào.

Chữa suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, hay mệt: nước mía ép 1/2 lít, trứng gà tươi 2 quả. Nước mía nấu sôi, đập trứng vào, nhắc xuống đậy kín nắp. Ăn nóng. Nếu tay chân lạnh thêm lát gừng sống giã nát cho vào nước mía khi sôi.

Người gầy (hốc hác) da khô, tóc cháy: rau má xay 200g, nước dừa xiêm 1 quả, nước mía 1 chén. Có thể thêm mật ong, sữa ong chúa để uống mỗi lần (không pha sẵn). Uống trước khi ngủ.

Chữa người gầy: lấy 1 lít nước mía nấu kỹ với chuối khô (mứt chuối) 200g. Hai thứ nấu sôi, để lửa nhỏ, đập vào 2 quả trứng gà tươi (mới đẻ), ăn nóng. Tuần dùng 3 lần sẽ thấy hiệu quả.

Mí mắt sưng đỏ, viêm màng kết hợp, nhiều dử: nước mía sạch bôi lên mí mắt trên dưới, hoặc tẩm gạc đắp lên mắt để tiêu viêm thanh hỏa. Trước uống nước mía pha 4g xuyên hoàng liên.

Trẻ em mồ hôi trộm: ăn mía, uống nước mía.

Chữa phiền vị, ăn vào nôn ra: nước mía 200g, nước cốt gừng 15ml. Trộn đều uống từng thìa nhỏ trong vài ngày. Bài này còn dùng chữa đau dạ dày mạn tính và giải độc cá nóc.

Chữa bệnh bụi phổi: nước mía 50ml, nước củ cải 50ml, cho mật ong, đường phèn, dầu vừng 1 ít chưng thành cao. Hằng ngày cho 2 lòng đỏ trứng gà đánh đều với cao tùy ý rồi hấp cơm.

Phòng hậu sởi: sắn dây 40g, rau mùi 20g, mía 2 đốt. Dùng 2 bát nước sắc còn 1 bát uống dài ngày trong dịch sởi. Sau sởi ép lấy nước mía vỏ đỏ uống.

Sốt rét có báng: ăn mía hàng tuần, tháng. Kết hợp các phương khác của Đông y, Tây y.

Giải say rượu: uống nước mía hoặc nhai mía nuốt nước.

Ngộ độc cá nóc: nước mía với gừng tươi mỗi thứ một ít, nước mía là chính, uống để sơ cứu rồi đưa đi bệnh viện ngay.

Lưu ý: Tránh trộn nước mía với bia hoặc cho đá gây thấp nhiệt.

BS. Phó Thuần Hương


Nguy hiểm khi dùng long não không đúng

Long não được trồng khắp nơi ở nước ta. dùng long não phải cẩn thận nếu không muốn nguy hiểm.

Long não

Long não

Long não thiên nhiên, có tinh thể màu trắng, mùi thơm đặc biệt, vị nóng, tan trong nước, tan nhiều trong các dung môi hữu cơ (cồn, ête, clofoc).

Tác dụng dược lý

Long não có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh, tăng cường hô hấp và tuần hoàn, nhất là trung khu thần kinh đang ở trạng thái ức chế thì tác dụng càng rõ. Uống trong, long não kích thích niêm mạc dạ dày: liều nhỏ gây cảm giác ấm áp dễ chịu; liều cao gây buồn nôn, nôn.

Tác dụng đối với tim mạch: long não có tác dụng hưng phấn cơ tim đối với tim đang suy yếu nhưng với liều thông thường không có tác dụng nào đối với cơ tim.

Tác dụng dược động học: long não được hấp thu dễ và nhanh qua da, niêm mạc bất cứ nơi nào trên cơ thể, kể cả niêm mạc dạ dày. Thuốc bị oxy hóa ở gan được Campherenol, sau đó chuyển hóa kết hợp với glucoronic và bài tiết ra nước tiểu (Trung Dược học).

Liều dùng: uống trong: 0,1 - 0,2g thuốc tán hoặc rượu. Dùng ngoài: lượng vừa đủ tán bột trộn với dầu hoặc cồn bôi.

Tuy nhiên, cần lưu ý về độc tính của thuốc. Ví dụ dùng liều uống 0,5 - 1g có thể gây hoa mắt, chóng mặt, đầu đau, cảm giác nóng, gây kích thích, nói sảng. Uống trên 2g dẫn đến yên tĩnh nhất thời và tiếp theo là vỏ não bị kích thích gây co giật, cuối cùng là suy hô hấp và chết. Uống 7 - 15g và tiêm bắp 4g gây chết. Cấp cứu chủ yếu là điều trị triệu chứng vì thuốc được cơ thể giải độc nhanh và thường được cứu sống (Trung Dược học).

Kiêng kỵ như có thai và khí hư: không dùng (Trung Dược học). Không phải là chân hàn và người có thấp nhiệt: không dùng (Đông Dược học thiết yếu ).

Ngoài ra, long não chẳng những nóng mà còn bốc, gần giống như xạ hương, nó có thể giúp sức được cho quế, phụ tử nhưng vì người ta dương khí dễ động mà âm khí dễ hao, cho nên, uống long não nhiều thì sẽ động dương mà hao âm vậy” (Bản thảo Diễn nghĩa bổ di). Cần phân biệt: “Không nhầm long não bột với chất lấy ở cây đại bi (Blumea balsamifera) màu trắng xanh, mùi thơm nhưng hăng hơn” (Dược liệu Việt Nam).

Vài cách trị bệnh từ long não

- Trị bụng đau do uế khí thuộc sa chứng: chương não, một dược, minh nhũ hương. Tán bột, uống 0,01g với nước trà (Chương não tán - Trương Sơn Lôi phương).

- Trị lở loét do nằm lâu: long não, não sa, mỗi thứ 2g. Trường hợp chưa loét, dùng 200ml cồn 75%, chế với thuốc thành Tinctura, bôi. Nếu đã loét, dùng cao mềm hoàng liên tố, phối hợp với thuốc bôi ngoài (sổ tay Lâm sàng Trung Dược).

- Trị hậu môn bị thấp chẩn lở ngứa: long não, minh phàn đều 2g, mang tiêu 20g, hòa với nước sôi 600ml, đợi ấm, ngâm mông vào 10 phút, ngày 2 lần (sổ tay Lâm sàng Trung Dược).

- Trị chàm ở chân thường bội nhiễm hoặc loét: long não 3g, đậu hũ 2 miếng, trộn nát, đắp ngoài (sổ tay Lâm sàng Trung Dược).

- Trị răng sâu đau: long não, chu sa, lượng bằng nhau, tán bột, bôi (sổ tay Lâm sàng Trung Dược).

- Trị trẻ nhỏ bị lở ngứa: long não, hoa tiêu, mè đen, lượng bằng nhau, tán bột, trộn với vaselin, bôi (sổ tay Lâm sàng Trung Dược).

- Trị giun kim: long não 1g, hắc bạch sửu 3g, binh lang 6g. Tán bột. Trước khi đi ngủ, lấy 100ml nước sôi, hòa thuốc, đợi nước ấm 300C, lấy ống tiêm hút thuốc bơm vào hậu môn, liên tục 3 - 5 lượt. Kết quả tốt (Tào - Mỹ - Hoa - Thượng Hải Trung Y Dược).

- Trị đau khớp do bong gân: dầu long não, dầu tùng tiết, trộn đều, bôi chỗ đau (sổ tay Lâm sàng Trung Dược).

BS. HOÀNG XU N ĐẠI

(SKĐS cuối tuần)

Thuốc chữa bệnh từ cây sa nhân

Sa nhân là loại cây mọc hoang rất nhiều ở vùng rừng núi, dưới tán cây râm mát, tiếng Tày còn gọi là mác nẻng, tiếng Thái là co nénh. Bộ phận dùng làm thuốc là hạt quả. Thu hái quả thường vào mùa hè, bóc vỏ quả lấy hạt bên trong, phơi hay sấy khô dùng dần.

Sa nhân thuộc loại cây thân thảo cao 2 - 3m, nhìn gần giống như cây riềng nhưng rễ không phát triển thành củ mà bò lan dưới lớp đất mỏng, có khi nổi lên trên mặt đất. Lá mọc so le có bẹ dài, phiến lá hình trái xoan, mặt lá xanh thẫm, láng bóng. Hoa màu trắng, đốm tía, mọc thành chùm. Quả cuống ngắn có gai, hình tròn hoặc trứng dài có 3 ô mang 3 khối hạt màu nâu sẫm, mùi thơm nồng. Sa nhân có nhiều loại, Đông y thường sử dụng chủ yếu là hai loài sa nhân tím và sa nhân trắng vì có giá trị dược liệu cao.

Theo y học cổ truyền, sa nhân có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng hành khí, hóa thấp, kiện tỳ, kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa. Thường dùng chữa ăn không tiêu, đau bụng, đầy trướng, tiêu chảy, nôn mửa, an thai,...

Cây và vị thuốc sa nhân

Một số đơn thuốc thường dùng:

Bụng đầy trướng, ăn không tiêu, đại tiện khó: Sa nhân 6g, cháy cơm 150g, thần khúc12g, sơn tra 12g, hạt sen 12g, kê nội kim 3g, gạo tẻ 300g, các vị sao thơm tán mịn cho thêm đường uống 12g, uống 2 - 3 lần/ngày.

Chữa tiêu chảy (bụng sôi, lạnh, chướng đau bụng ở vùng hạ vị, phân sống, kém ăn, chậm tiêu, tay chân lạnh): Sa nhân, nhục quế, can khương, vỏ rụt, vỏ quýt mỗi vị 8g; bố chính sâm, tục đoạn, củ mài sao, phá cố chỉ mỗi vị 12g. Tất cả tán bột, mỗi ngày uống 20g.

Thai nghén hay nôn: Sa nhân (sao qua, nghiền mịn) 3g; gạo tẻ 30g nấu cháo, khi cháo chín cho bột sa nhân vào trộn đều, đun nhỏ lửa thêm một lúc nữa là được. Ăn nóng vào lúc sáng sớm và buổi tối trước khi ngủ.

Hoặc: Sa nhân 3g, cá diếc 1 con, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ. Cá diếc đánh vảy, bỏ ruột và mang, rửa sạch, cho sa nhân vào trong bụng rồi kho nhừ, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: Lý khí ôn vị, tiêu thũng cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa, tinh thần mỏi mệt, tay chân rã rời, có thể có phù nhẹ hai chi dưới.

Giảm đau nhức răng do sâu răng: Ngậm sa nhân hoặc tán bột chấm vào răng đau.

Hỗ trợ viêm loét dạ dày mạn tính: Sa nhân 6g; dạ dày lợn 1 cái, dạ dày rửa sạch, thái chỉ, cùng với sa nhân nấu thành món canh; ăn dạ dày và uống nước canh. Dùng 10 ngày một liệu trình.

Hỗ trợ viêm đại tràng mạn tính: Sa nhân 1g (tán bột), mộc hương 1g (tán bột), bột sắn dây 30g, đường cát lượng vừa đủ. Sa nhân, mộc hương, sắn dây thêm nước quấy đều, cho thêm đường nấu cháo ăn. Ngày ăn 2 lần.

Chú ý: Người âm hư nội nhiệt không nên dùng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nga



Vị thuốc bán chi liên và bạch hoa xà thiệt thảo

Hỏi: Xin vui lòng cho tôi biết những công dụng của vị thuốc bán liên chi và bách hoa xà thiệt thảo có đúng là trị được bách bệnh, đặc biệt là ung thư như trên internet đã nói hay không? Bài thuốc này trong dân gian có hay dùng và dùng thường xuyên không? Nếu dùng thường xuyên có ảnh hưởng gì không?

(Mộng Loan - TP.HCM)

Trả lời:

Cây bán chi liên còn có tên là hoàng cầm râu, thuẩn râu, họ hàn tín lá hẹp, tên khoa học Scutellaria barbata D.Don (S. rivularis Benth.), thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).

Bán chi liên

Bán chi liên

Loài cây này mọc ở nơi sáng và ẩm, gặp ở ruộng hoang, bãi hoang từ vùng thấp đến vùng cao.

Thành phần hóa học có trong bán chi liên được ghi nhận ban đầu là scutellarin, scutellarein, carthamidin, isocarthamidin. Ngoài ra còn có alcaloid, hợp chất phenol, sterol, tanin.

Về tác dụng dược lý, hợp chất flavonoid scutellarein trong bán chi liên có tác dụng ức chế được hoạt độ của protein kinase C não chuột bạch.

Theo Đông y, bán chi liên có vị hơi đắng, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu sưng, giảm đau, chống khối u tân sinh.

Thường được sử dụng trong các trường hợp: áp-xe phổi (lao phổi xơ), viêm ruột thừa; viêm gan, xơ gan cổ trướng, khối u tân sinh.

Ngày dùng 20 - 40g, có thể tới 80g, dạng thuốc sắc uống.

Dùng ngoài, lấy lượng cây tươi vừa đủ, rửa thật sạch, giã nát đắp và nấu nước rửa, trị rắn độc cắn, sâu bọ cắn đốt, các loại mụn nhọt sưng đau, viêm vú, viêm mủ da, sâu quảng, đòn ngã tổn thương.

Cây bạch hoa xà thiệt thảo còn có tên là cỏ lưỡi rắn hoa trắng, lưỡi rắn trắng, bòi ngòi bò, tên khoa học Hedyotis diffusa willd., thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).

Sở dĩ có tên trên là vì xà thiệt là lưỡi của con rắn, bạch hoa là hoa có màu trắng. Cây này có lá giống lưỡi rắn và có hoa màu trắng.

Bạch hoa xà thiệt thảo thường mọc hoang ở bờ ruộng, sườn núi, hai bên đường di. Thấy nhiều ở vùng trung du và đồng bằng.

Thành phần hóa học đã biết trong cây bạch hoa xà thiệt thảo có hydrocarbur, có acid oleanolic, acid asperulosidic, ursolic, acid p-coumaric, stigmasterol, B-sitosterol, sitosterol-D-glucose.

Theo Đông y, bạch hoa xà thiệt thảo có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát, không độc. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp, tiêu thũng, hoạt huyết, lợi niệu, tiêu ung tán kết.

Bạch hoa xà thiệt thảo

Bạch hoa xà thiệt thảo

Dùng chữa viêm đường tiết niệu, viêm amidan, viêm hầu họng, viêm gan, viêm gan vàng da cấp, sỏi mật, kiết lỵ cấp, mụn nhọt, ung thũng, đòn ngã chấn thương, rắn độc cắn, trẻ em cam tích, ho do phế nhiệt.

Ngày dùng 60 - 320g tươi hoặc 40 - 80g khô, sắc với 1 lít nước, còn 300ml chia 2 lần uống trước bữa ăn. Có thể rửa thật sạch với nước muối loãng, giã nát vắt lấy nước cốt để uống.

Dùng ngoài, lấy cây tươi rửa thật sạch, giã nát, đắp lên chỗ đau.

Phụ nữ có thai không nên dùng vị thuốc này.

Trong một số tài liệu y học của Trung Quốc gần đây (Chinese herbal medicine - Materia Medica (1992), Trung dược đại từ điển, Thường dụng thảo dược trị liệu thủ sách…), các nhà y học đã ứng dụng 2 vị thuốc bán chi liên và bạch hoa xà thiệt thảo để bổ trợ cho việc chữa trị một số bệnh ung thư trong thời kỳ đầu (phát hiện sớm) như: ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư tử cung.

Bước đầu ghi nhận có sự cải thiện bệnh trạng. Tuy nhiên, con đường nghiên cứu ứng dụng cây cỏ để điều trị ung thư vẫn còn dài ở phía trước.

Bạch hoa xà thiệt thảo được dùng kết hợp với vị thuốc bán chi liên trong bài thuốc sau:

Bán chi liên 40g khô (80g tươi), bạch hoa xà thiệt thảo 80g khô (tươi 160g).

Nấu với 750ml nước, sắc còn lại 200ml, chia 2 lần, uống nguội vào buổi sáng và chiều, trước bữa ăn 60 phút, hay sau bữa ăn 2 giờ.

Có thể nấu lần thứ hai với nhiều nước uống thay trà.

Trong thời gian uống thuốc, có thể có phản ứng phụ như ngứa hoặc tiêu chảy nhưng không kéo dài. Sau khi uống thuốc, nếu thấy có máu mủ bài tiết ra thì đó là dấu hiệu tốt.

Bài thuốc này không độc, nên có thể uống thuốc từ 3 đến 4 tháng. Không nên ăn các thứ cay nóng trong thời gian uống thuốc.

Không dùng cho phụ nữ có thai.

Lương y Đinh Công Bảy

Củ mài chữa suy nhược cơ thể

Trong Đông y, củ mài có tên là dược là hoài sơn, có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, ích tâm phế, bổ thận, chỉ tả lỵ, có tác dụng rất tốt cho người bệnh suy nhược cơ thể, chán ăn, trẻ em suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa,...

Cây củ mài thuộc họ dây leo quấn, thân nhẵn, hơi có góc cạnh, màu đỏ hồng, thường mang những củ nhỏ ở nách lá (dái mài). Rễ củ đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất đến hàng mét, hơi phình ở phía gốc, vỏ ngoài có màu nâu xám, thịt mềm màu trắng. Lá mọc so le hay mọc đối, hình tim, cụm hoa đơn tính gồm các bông khúc khuỷu, màu vàng.

Củ mài có tác dụng bổ tỳ vị.

Cây thường mọc hoang ở các vùng rừng núi phía Bắc và miền Trung. Nhân dân vùng núi thường đào củ mài về cạo sạch vỏ, luộc, xào hoặc nấu canh ăn. Củ mài cũng và được trồng nhiều ở đồng bằng để làm dược liệu. Trong Đông y, củ mài có tên là dược là hoài sơn. Đào củ vào mùa hè - thu khi cây đã lụi, mang về rửa sạch, gọt vỏ cho phơi hoặc sấy khô, cho vào lọ bảo quản nơi thoáng mát để dùng dần.

Củ mài thường được dùng chữa bệnh như sau:

Bồi bổ cơ thể suy nhược sau khi ốm: Củ mài 15g, vừng đen 120g, đường đỏ 20g, sữa bò 200g, đường phèn 100g, gạo tẻ 30g. Củ mài thái nhỏ. Vừng và gạo rang chín vàng nghiền nhỏ rồi cho nước vào quấy đều, lọc lấy nước trộn với sữa bò, đường phèn, đun sôi cùng củ mài quấy chín. Ăn trong ngày. Công dụng: tẩm bổ can thận, bổ tỳ nhuận trường, chữa cơ thể suy nhược sau khi ốm, gan thận yếu, tóc bạc sớm, bí đại tiện.

Trẻ em suy dinh dưỡng: Củ mài 20g, gạo 50g, biển đậu 10g, lòng đỏ trứng gà 1 cái, đường trắng 20g. Củ mài sấy khô. Gạo, biển đậu đều xay thành bột. Trứng gà luộc bóc lấy lòng đỏ, cho vào bột gạo dầm nát trộn đều. Tất cả cho vào nồi nồi thêm 200ml nước đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín cho đường quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần, ăn liền 15 ngày.

Ích khí, bổ tỳ vị, tăng cường chức năng tiêu hóa: Củ mài 50g, khoai sọ 200g, gạo tẻ 50g, nấu cháo ăn trong ngày. Thường xuyên ăn món này có tác dụng ích khí (tăng thể lực), bổ tỳ vị, dùng chữa chứng đuối sức, mệt mỏi, kém ăn, miệng khát, hay phiền táo.

Ăn kém, trướng bụng khó tiêu: Củ mài 30g, ý dĩ 30g, hạt sen bỏ tâm 15g, đại táo 10 quả, gạo tẻ 50 -100g. Tất cả nấu cháo thêm đường, muối. Ăn khi đói. Dùng cho các trường hợp tỳ vị hư, ăn kém chậm tiêu, trướng bụng, tiêu chảy, mệt mỏi toàn thân.

Suy nhược do tiêu chảy kéo dài ở trẻ, phụ nữ bạch đới, nam giới di tinh, đau lưng suy yếu: Củ mài 200g, củ súng, hạt sen, ý dĩ sao, mỗi vị 100g. Tất cả sấy khô tán bột uống mỗi ngày 20g với nước cơm.

Tỳ vị nhược, chán ăn, khô miệng khát nước, táo bón: Củ mài 30g, gạo nếp 50g. Nấu cháo thêm đường trắng hoặc muối tùy theo khẩu vị, ăn nóng. Hoặc: Củ mài 100g, củ súng 100g, xuyên tiêu 30g, gạo nếp 1.000g. Gạo nếp ngâm một đêm, vo sạch, để khô, rang chín, tán bột. Củ mài, củ súng, xuyên tiêu đều sao qua, tán bột. Trộn đều hai thứ bột với nhau để sẵn. Mỗi lần ăn lấy 30-60g pha với nước sôi, đường trắng. Có thể ăn thường xuyên.

Chú ý: Người có thấp nhiệt thực tà không được dùng.

Lương y Nguyễn Văn Quyết

An nam tử trị ho khan, mất tiếng

Ho khan, mất tiếng là bệnh thường gặp. Đặc biệt mùa hè nóng bức nên mọi người thường lạm dụng nước đá và nằm điều hòa quá lạnh. Đông y có nhiều vị thuốc để chữa trị. Sau đây xin giới thiệu vị thuốc trị bệnh từ an nam tử là quả cây đười ươi.

An nam tử còn có tên khác là đười ươi, cây thạch, cây ươi, bàng đại hải, đại đồng quả... mọc nhiều ở miền Nam nước ta (Biên Hòa, Bà Rịa, Bình Định, Thuận Hải, Phú Yên, Quảng Trị) và tại nhiều nước khác ở Đông nam Á như Trung Quốc (Quảng Đông, đảo Hải Nam), Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Để làm thuốc, người ta hái quả chín nứt ở cây lấy hạt phơi khô dùng dần. Hạt an nam tử hình bầu dục trông như quả trám. Bề mặt màu nâu tối hoặc màu nâu vàng sẫm, có vân nhẵn không đồng đều. Theo đông y, an nam tử tính hàn, vị ngọt, lợi về kinh phế, đại tràng có công dụng thanh nhiệt, nhuận phổi, lợi hầu, giải độc. Phù hợp với người ho khan, không có đờm, đau họng, khản tiếng, cốt chưng (người bệnh sốt nhẹ về chiều, đổ mồ hôi trộm...). Sau đây là những bài thuốc thường dùng:

Trị ho khan, mất tiếng, họng nóng rát, viêm đau lợi: An nam tử 5 hạt, cam thảo 3g. Sắc uống thay trà. Nếu người già hoặc trẻ em uống có thể cho thêm ít đường phèn.

Trị đau họng, ho khan không có đờm, khàn tiếng, cốt chưng nội nhiệt, chảy máu cam: An nam tử 3 hạt, mật ong 15ml. Hãm với nước sôi uống thay trà.

Trị chảy máu cam ở trẻ nhỏ: An nam tử 2-5 hạt sao vàng, nấu lấy nước cho trẻ uống trong ngày.

Trị viêm họng, viêm amiđan cấp tính: An nam tử 5g, bản lam căn 5g, mạch môn đông 5g, cam thảo 3g. Hãm với nước sôi, uống nhiều lần thay trà. Hoặc dùng: An nam tử 5g, bồ công anh 4g, hoa kim ngân (khô) 16g, bạc hà 2g, cam thảo 1g. Rửa sạch, hãm nước sôi, uống thay nước hàng ngày.

Chú ý: An nam tử chỉ dùng mỗi ngày từ 2-5 hạt, không dùng kéo dài.

DS: Hồng Hải

Vừng đen

Vừng đen (miền Nam gọi là mè đen) là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và vị thuốc chữa bệnh tốt. Theo các chuyên gia thực phẩm thì ăn những thực phẩm có màu đen như vừng đen, đỗ đen, gà ác, gạo cẩm... có thể điều tiết khả năng sinh lý của con người, kích thích hệ thống bài tiết tiêu hóa, tuần hoàn làm tăng lượng hồng cầu, da dẻ hồng hào, tóc đen trở lại và kéo dài tuổi thọ.

Vừng đen.

Vừng đen.

Theo y học cổ truyền, hạt vừng đen có tên thuốc là hắc chi ma. Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng hạt vừng đen sao cháy tán bột, mỗi lần uống 12g với ít rượu pha mật hoặc nước gừng để chữa đau lưng. Phụ nữ có thai sắp sinh con thường ăn chè vừng đen để dễ đẻ; sau khi đẻ bị thiếu sữa, đem sao hạt vừng đen với muối giã ăn với cơm hàng ngày. Để chữa nhọt lở lâu ngày không liền miệng, lấy hạt vừng đen 20 - 30g sao cháy, giã đắp hàng ngày.

Phối hợp với nhiều vị thuốc khác, hạt vừng đen được dùng trong những trường hợp sau: Thuốc bổ mạnh gân xương: hạt vừng đen 300g đồ chín, phơi khô, sao vàng; lá dâu non 500g rửa sạch, phơi trong râm hoặc nắng nhẹ cho khô, vò nát bỏ cuống và gân lá, sấy khô. Tán 2 thứ riêng biệt, rây thành bột mịn, trộn đều, thêm dầu mật ong đánh nhuyễn thành khối bột không dính tay, làm viên khoảng 1g. Thuốc có màu đen, hơi mềm, vị ngọt, mùi thơm. Ngày uống 2 lần, sau bữa ăn. Người lớn, mỗi lần 10 - 20g; trẻ em 5 - 10g.

Thuốc an thần, gây ngủ: hạt vừng đen 40g rang chín; hạt đỗ đen 40g sao; hạt muồng 20g sao; lá vông 40g; lá dâu non 40g, lạc tiên 20g, vỏ núc nác 12g sao với rượu. Tất cả làm khô, giã nhỏ, rây bột mịn, thêm đường đủ ngọt luyện với hồ làm viên bằng hạt ngô. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần 20g.

Chè vừng đen nấu với hạt sen là món ăn vị thuốc an thần thông dụng của nhân dân ta cũng như nhân dân một số nước Đông Nam Á và Trung Quốc.

Chữa táo bón: hạt vừng đen 300g rang chín, giã nhỏ, rây bột; lá cối xay 300g thái nhỏ, nấu với 2 - 3 lần nước rồi cô thành cao đặc. Trộn bột với cao, làm thành bánh 5g. Ngày dùng 2 bánh, hãm với nước sôi, uống sau mỗi bữa ăn. Hoặc hạt vừng đen 20g; sinh địa, huyền sâm, mạch môn, sa sâm mỗi vị 16g; thạch hộc 12g. Tất cả phơi khô, sao vàng, tán bột, luyện với mật ong vừa đủ để làm viên, ngày uống 10 - 20g.

Chữa táo bón do trương lực cơ giảm: vừng đen 12g, đảng sâm 16g; bạch truật, sài hồ, hoài sơn, kỷ tử mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Hoặc vừng đen 8g; hoàng kỳ, bạch truật, đảng sâm, sài hồ, thăng ma mỗi vị 12g; đương quy, nhục thung dung, bá tử nhân mỗi vị 8g; trần bì, cam thảo mỗi vị 6g. Sắc uống.

Chữa tăng huyết áp, xơ cứng mạch máu: hạt vừng đen, rễ hà thủ ô đỏ, rễ ngưu tất mỗi vị 100g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ rây bột mịn, trộn với mật làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g.

Hạt vừng đen ép sống, lấy dầu uống mỗi lần 1 thìa canh với ít rượu để chữa tụ máu, đau nhức, sưng tấy do ngã. Dầu vừng đen còn có tác dụng hạ thấp cholesterol trong máu vì chứa nhiều acid béo không bão hòa.

Ở Trung Quốc, người ta vẫn ưa chuộng một loại trà của cung đình xưa để bồi bổ khí huyết, làm cho da thịt săn đẹp, mịn màng, tăng cường tuổi thọ. Trà gồm hạt vừng đen 375g, gạo tẻ 750g, đậu đỏ, đậu tương, đậu xanh, mỗi thứ 700g, chè búp 500g, tiểu hồi 150g, hoa tiêu 75g, gừng khô 30g, muối tinh 30g. Tất cả sao vàng, tán nhỏ. Ngày dùng 6 - 10g hãm với nước sôi để uống.

DS. Đỗ Huy Bích

Cỏ mần trầu tiêu viêm, trừ thấp

Cỏ mần trầu còn có tên màn trầu, thanh tâm thảo, cỏ chỉ tía, mọc khắp nơi ở nước ta, thu hái vào mùa khô. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, dùng ở dạng tươi hay khô. Theo Đông y, mần trầu vị ngọt hơi đắng, tính bình, có tác dụng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, tiêu viêm trừ thấp, cầm máu, tán ứ và mát gan. Liều dùng hằng ngày 16 - 20g khô hoặc 40 - 100g tươi, dạng thuốc sắc hay hoàn, thường dùng phối hợp với các vị khác để chữa một số chứng bệnh dưới đây rất hiệu quả.

Chữa tăng huyết áp: dùng cây tươi 500g, rửa sạch, giã nát, thêm 1 bát nước đun sôi để nguội. Lọc qua vải và vắt lấy nước cốt, thêm ít đường cho đủ ngọt. Uống 2 lần, sáng và chiều.

Đề phòng viêm màng não truyền nhiễm: cỏ mần trầu 30g sắc uống trong ngày. Uống liền 3 ngày, nghỉ 10 ngày, sau đó lại uống tiếp 3 ngày nữa.

Chữa viêm da, vàng da: cỏ mần trầu tươi 60g, rễ cây tổ kén đực (1 loài cây dó) 30g. Sắc uống.

Chữa thấp nhiệt, hoàng đản: cỏ mần trầu tươi 60g, sơn chi ma 30g. Sắc uống.

Chữa viêm tinh hoàn: cỏ mần trầu 60g, cùi vải 10 cái. Sắc uống.

Chữa cảm, sốt nóng, người mẩn đỏ, tiểu tiện vàng ít: cỏ mần trầu 16g, cỏ tranh 16g. Sắc uống.

Chữa sốt cao co giật, hôn mê: vỏ mần trầu 120g. Sắc với 600ml nước, còn 400ml, thêm ít muối, cho uống nhiều lần trong 12 giờ.

Mần trầu cũng là một vị thuốc trong toa thuốc căn bản: cỏ tranh 8g, rau má 8g, cỏ mực 8g, cam thảo đất 8g, ké đầu ngựa 8g, mần trầu 8g, gừng tươi 2g, củ sả 4g, vỏ quýt 4g. Tác dụng của mần trầu trong bài là giải độc, an thai, thanh nhiệt.

BS. Tiểu Lan

Bối mẫu giúp hạ áp, trị ho,...

Về thành phần hóa học, bối mẫu có các alkaloid (verticin, verticillin...); các hợp chất peiminoside và Mn, Cu, Zn... Tác dụng hạ huyết áp, long đờm, giảm ho.

Theo Đông y, bối mẫu vị ngọt, hơi đắng, tính mát; vào tâm và phế. Có tác dụng chỉ khái hóa đàm, thanh nhiệt tán kết. Trị viêm khí phế quản dạng viêm khô, nóng sốt ho khan đờm ít, đờm dính vàng đặc đau rát miệng họng (đàm nhiệt khái thấu); viêm sưng hạch vùng cổ (lao hạch), áp-xe phổi, áp-xe vú, viêm cơ có mủ và sưng hạch...

Liều dùng, cách dùng: 3-10g, bằng cách nấu hầm, sắc, pha hãm. Khi dùng trong các thực đơn, người ta dùng xuyên bối mẫu nhiều hơn.

Một số món ăn thuốc có bối mẫu:

Cháo bối mẫu: xuyên bối mẫu 10g, gạo tẻ 50g, đường phèn vừa đủ. Bối mẫu tán mịn, gạo tẻ nấu cháo, cháo được cho đường phèn vào khuấy tan đều, cho tiếp bột bối mẫu đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn, khuấy đều là được, ăn nóng vào bữa sáng và tối. Dùng tốt cho người viêm khí phế quản cấp và mạn tính, khí phế thũng.

Thịt lợn hầm xuyên bối mẫu: xuyên bối mẫu 9g, thiên hoa phấn 15g, tử thảo 30g, thịt nạc 60g. Dược liệu nấu lấy nước, đun nước thuốc với thịt nạc, thêm gia vị thích hợp. Ngày làm 1 - 2 lần ăn. Đợt dùng 20 - 30 ngày. Dùng tốt cho người ung thư vòm họng, ung thư vùng mũi họng.Bối mẫu tác dụng chỉ khái hóa đàm, thanh nhiệt tán kết. Trị viêm khí phế quản dạng viêm khô, nóng sốt ho khan đờm ít, dính...

Bối mẫu tác dụng chỉ khái hóa đàm, thanh nhiệt tán kết. Trị viêm khí phế quản dạng viêm khô, nóng sốt ho khan đờm ít, dính...

Ba ba hầm bối mẫu: ba ba 1 con (bỏ mai bỏ ruột, làm sạch thái lát), bối mẫu 5g; nước luộc gà hoặc nước phở lẩu (đã vớt bỏ váng mỡ) 100ml. Ba ba bỏ mai bỏ ruột, làm sạch thái lát, thêm muối mắm, dấm, gừng, hành, gia vị, hầm nhỏ lửa khoảng 1 giờ, ăn khi vừa nguội. Dùng tốt cho người âm hư đạo hãn, ho suyễn, sốt hâm hấp.

Trứng gà hầm bối mẫu: xuyên bối mẫu 5g, đường phèn 5g, trứng gà 1 quả. Đâm 1 lỗ nhỏ ở đầu to quả trứng gà, cho đường phèn và bối mẫu (đã tán vụn) vào, lắc đều, dùng giấy hồ nếp dán lại hấp trên nồi cơm vừa cạn nước. Mỗi ngày làm 1 lần, chia ăn 2 lần trong ngày, dùng liên tục 3 ngày. Dùng cho trẻ nhỏ bị ho gà, ho do viêm khí phế quản.

Lê hấp đường phèn bối mẫu: lê to 1 quả, xuyên bối mẫu tán bột 3g, đường phèn 6g. Lê gọt vỏ, tách bỏ hạt cho vào cùng hầm chín với xuyên bối mẫu và đường phèn ăn. Dùng cho người viêm khí phế quản ho ít đờm, lao phổi ho khan, ho gà, ho do dị ứng, viêm họng.

Xuyên bối hạnh nhân ẩm: xuyên bối mẫu 6g, hạnh nhân 3g. Hai thứ đập vụn từng loại một rồi nấu với nước trong 40 phút, lọc lấy nước bỏ bã, uống khi nguội (chia 2 lần uống trong ngày). Dùng cho trẻ em viêm khí phế quản ho dài ngày, đêm ho nhiều đờm hơn ban ngày, ho thành cơn mệt mỏi.

Kiêng kỵ: Người có chứng hư hàn (đờm lạnh, đờm loãng ướt) không dùng. Không được dùng với ô đầu (phản ô đầu).

BS. Tiểu Lan

Cỏ mực

Đây là cây thuốc quen thuộc, chủ trị xuất huyết, nội tạng, viêm gan mạn...

Mô tả cây

Cỏ mực có tên khoa học là Eclipta alba Hassk thuộc họ Cúc Asteraceae. Gọi là “mực” vì vò nát có nước chảy ra như mực đen. Gọi là “rau” vì mầm non của nó cũng được dùng như một loại rau. Do có màu đen nên cây rau này cũng được chú ý trong nhóm thức ăn, thuốc màu đen với nhiều triển vọng cho những công dụng quý như để chống lão hóa. Cỏ mực từ lâu có trong kho tàng Nam dược thần hiệu. Cây mọc hoang khắp nơi và ở đâu người ta cũng biết dùng để cầm máu. Thu hái từ tháng 2 đến tháng 8, phơi khô trong râm mát (âm can) bảo quản cẩn thận để dùng khi không có cây tươi. Cách dùng đơn giản tươi hay khô và không phải bào chế gì cả. Theo kinh nghiệm dùng cây có hoa tốt hơn.

Cỏ mực tính lạnh, vị ngọt chua, không độc. Có tác dụng lương huyết (mát huyết) chỉ huyết, thanh can nhiệt, dưỡng thận âm, làm đen râu tóc. Chủ trị xuất huyết nội tạng (chảy máu dạ dày, ỉa đái ra máu, thổ huyết do lao, rong kinh) chữa kiết lỵ, viêm gan mạn, chấn thương sưng tấy lở loét mẩn ngứa (uống trong, rửa ngoài). Thần nông bản thảo nói: “Là thuốc cầm máu nổi tiếng…”. Đường bản thảo nói: “Rau mặc chủ huyết lỵ, người bị chảy máu dữ dội. Dùng nó đắp và bôi nước lên đầu tóc sẽ mọc lại nhanh chóng”. Điền nam bản thảo nói: “Rau mặc làm chắc răng, đen tóc chữa khỏi 9 loại trĩ”. Bản kinh cách đây 2.000 năm nói: “Máu chảy không cầm đắp rau mặc cầm ngay”. Kỵ dùng khi có âm hư không có nhiệt, tỳ vị hư hàn, ỉa chảy. Ngày nay được dùng nhiều trong điều trị sốt xuất huyết muỗi truyền, ung thư (cancer) và nhiều bệnh khác.

Thành phần hóa học trong cỏ mực có tinh dầu, tannin, chất đắng (glucozit caroten và ancaloit tên ecliptin có tài liệu nói là nicotin) 1959 Govindachari TR và CS chiết được từ cỏ mực chất wedelolacton là một cumarin lacton (trong cây sài đất cũng có chất này) 1972 K.K Bharagava tách được demetylwedelolacton và một flavonozit.

Về tác dụng dược lý: Viện Dược liệu và bộ môn Dược lý Đại học Y Hà Nội (1961) đã nghiên cứu tác dụng cầm máu và độc tính của cỏ mực cho biết: nước sắc cỏ mực khô thí nghiệm trên khỉ thấy giảm thời gian Quick rõ rệt, có nghĩa rằng cỏ mực làm tăng tỉ lệ prorombin toàn phần. Cỏ mực cũng giống vitamin K chống lại tác dụng của dicumarin (thuốc chống đông). Đối với hiệu quả cầm máu ở tử cung là do 2 tác dụng tăng prothrombin đồng thời tăng trưởng lực tử cung, nén thành tử cung. Cỏ mực không gây giãn mạch, không hạ huyết áp, có thể gây sảy thai. Về độc tính thử trên chuột nhắt trắng với liều 5 - 80 lần liều vẫn quen dùng trên lâm sàng của Đông y, chưa thấy xuất hiện độc tính.

Một số bài thuốc dùng cỏ mực cầm máu từ xưa

Chảy máu mũi đêm ngày không dứt: cỏ mực giã nát đắp giữa mỏ ác và trên trán là khỏi (Nam dược thần hiệu).

Chữa thổ huyết và chảy máu cam: dùng cỏ mực cả cành và lá tươi giã lấy nước, chế thêm nước tiểu (của nhi đồng thì tốt hơn) để uống.

Ỉa ra máu: cỏ mực nướng trên miếng ngói sạch cho khô, tán bột. Mỗi lần dùng 2 chỉ (8g) với nước cơm (gia tàng kinh nghiêm phương).

Đái ra máu: cỏ mực, mã đề 2 vị bằng nhau giã lấy nước ngày uống 3 chén lúc đói (Y học chân truyền). Cháo cỏ mực nấu cháo cỏ mực 100g với 3 lát gừng (cỏ mực lọc lấy 400ml nước nấu cháo).

Trĩ ra máu: một nắm cỏ mực để nguyên rễ giã nhuyễn như bùn, cho vào 1 chén rượu nóng thành dịch đặc vừa uống trong, vừa đắp bã ngoài (Bảo thọ đường phương).

Chảy máy dạ dày hành tá tràng: rau mặc 50g, bạch cập 25g, đại táo 4 quả, cam thảo 15g sắc uống, ngày 1 thang chia làm 2 lần.

Vết đứt chém nhỏ chảy máu: một nắm cỏ mực sạch nhai vò hoặc giã nhuyễn đắp lên vết thương.

Chữa trị một số bệnh người lớn

Chữa râu tóc bạc sớm:

Cao cỏ mực: cỏ mực với lượng tùy dùng, rửa sạch nấu cô đặc thành cao rồi cho nước gừng, mật ong với lượng vừa phải, cô lại lần nữa. Cho vào lọ khi dùng lấy 1 - 2 thìa canh hòa nước đun sôi còn ấm hoặc cho ít rượu gạo để uống. Ngày 2 lần cao này có tác dụng bổ can thận, ích tinh huyết.

Viên cỏ mực: cỏ mực 1 - 2kg cho vào nước ép lấy dịch đặc trộn với bột nữ trinh tử đã được chế sẵn như sau: nữ trinh tử 300 - 1.000g ngâm rượu 1 ngày, bóc vỏ, rang khô tán bột. Viên hoàn bằng mật ong. Mỗi lần uống 10g. Ngày uống 3 lần với rượu gạo hâm nóng. Hoàn này bổ can thận, xanh đen râu tóc, khỏi đau lưng gối. (Không nhầm Nữ trinh tử với Trinh nữ tử (hạt mắc cỡ, xấu hổ).

Ngoài 2 công thức đơn giản giới thiệu trên còn nhiều công thức kết hợp cỏ mực với nhiều vị khác như câu kỷ tử, thỏ ty tử, ngũ vị tử, bách tử nhân, hà thủ ô, quả dâu chín… cho nhiều tác dụng hơn.

Chữa di mộng tinh (do tâm thận nóng): cỏ mực sấy khô tán bột. Uống ngày 8g với nước cơm hoặc sắc cỏ mực để uống ngày 30g.

Chữa trị một số bệnh phụ nữ, trẻ em

Chữa rong kinh: nếu nhẹ lấy cỏ mực tươi giã vắt lấy nước cốt uống hoặc cỏ mực khô sắc nước uống. Nếu huyết ra nhiều cần phối hợp thêm lá trắc bá diệp, hoặc cây huyết dụ…

Trẻ tưa lưỡi: cỏ mực tươi 4g, lá hẹ tươi 2g giã nhuyễn lấy nước cốt hòa mật ong chấm lên lưỡi cách 2 giờ 1 lần.

Trẻ hay cáu gắt, nổi khùng cắn cấu, đêm ngủ không yên (do tích trệ, khí nhiệt, can hỏa bốc): cỏ mực 20g (dưới 3 tuổi dùng 12g) thêm 2 - 3 quả táo mật. Nấu với 3 bát nước cho đến khi còn 1 bát. Chia 3 lần uống.

Trong điều trị ung thư

Cỏ mực đã được dùng để chữa ung thư các loại (phối hợp với những vị khác): K dạ dày, K tử cung, K xương, K bạch huyết, K họng. Trong đó chữa K họng chỉ dùng một vị cỏ mực 50g vắt nước uống tươi hàng ngày hoặc sắc nước uống.

BS. PHÓ THUẦN HƯƠNG

(SKĐS cuối tuần)

Tránh nhầm lẫn những dược liệu có tên phụ tử

Hàng năm, ở nước ta, thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ ngộ độc chết người do ô đầu, phụ tử, phần lớn là do sự thiếu hiểu biết về các cây thuốc này. Vì vậy, trong quá trình khai thác các vị thuốc gọi là “phụ tử”, từ nguồn dược liệu đầu vào đến việc chế biến và sử dụng chúng, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc để tránh nhầm lẫn.

Cây ô đầu

Ở Việt Nam, cây ô đầu có tên khoa học là Aconitum fortunei Hemsl., hoặc Aconitum carmichaeli Debx., họ Hoàng liên (Ranunculaceae). Có 2 loại: ô đầu mọc hoang ở một số vùng núi Lào Cai, Hà Giang… và di thực từ cây ô đầu Trung Quốc.

Tránh nhầm lẫn những dược liệu có tên phụ tửCây ô đầu.

Ô đầu thân đứng thẳng, hình trụ, ít phân nhánh, cao khoảng 0,6-1m. Lá mọc so le có gân hình chân vịt, lá non hình tim tròn, có răng cưa; lá già xẻ 3-5 thùy, mép khía răng cưa. Cụm hoa mọc thành chùm ở ngọn thân. Quả gồm 5 đài mỏng. Từ cây ô đầu cho 2 dược liệu quý: Ô đầu là rễ cái của cây ô đầu, thường gọi là củ. Vị thứ hai là sinh phụ tử, là các rễ nhánh, tức những củ con phát sinh từ củ cái. Cả hai đều được sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên, vị thuốc ô đầu (củ cái) chỉ được sử dụng bên ngoài làm thuốc xoa bóp: củ ô đầu thái mỏng, ngâm rượu 40-60% trong nhiều ngày, xoa bóp chữa bong gân, sai khớp, đau xương khớp, lưng gối. Loại rượu này có độc tính rất cao (chứa alcaloid có độc tính lớn, như aconitin, mesaconitin, hypaconitin, pseudaconitin...) nên không được uống.

Để sử dụng được phụ tử, phải chế biến kỹ. Sinh phụ tử được chế biến để có phụ tử (chế). Phụ tử chế tồn tại dưới 3 dạng: diêm phụ - là sinh phụ tử được chế với muối ăn và magnesi clorid. Diêm phụ là nguyên liệu trung gian để chế bạch phụ và hắc phụ. Bạch phụ là sản phẩm cũng chế biến từ sinh phụ tử hay diêm phụ. Hắc phụ là sản phẩm được chế biến từ diêm phụ hoặc sinh phụ tử. Chỉ có bạch phụ, hắc phụ mới được phép sử dụng uống trong với liều 4-12g.

Theo YHCT, phụ tử (chế) có vị cay, ngọt, tính đại nhiệt, có độc. Quy vào các kinh tâm, thận với công năng hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa trợ dương, tán hàn chỉ thống. Trị chứng vong dương, thoát dương, chân tay lạnh, đau nhức xương khớp, lưng gối đau lạnh, chân tay phù nề.

Trị các chứng vong dương, thoát dương, người lạnh, chân tay lạnh, nôn mửa: phụ tử (chế) 10g, can khương 5g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trị đau dây thần kinh, viêm khớp dạng thấp, bán thân bất toại: phụ tử (chế) 5g, quế nhục, bạch thược, thương truật, đại táo mỗi thứ 4g, cam thảo 2g, sinh khương 1g. Sắc uống ngày 1 thang.

Kê tâm bạch phụ, bạch phụ tử, đại bán hạ (Typhonium giganteum Engl.), họ Ráy (Araceae). Cây có lá mọc từ thân rễ, thường có từ 1-4 lá, khi lá mới ra, lá cuộn lại thành dạng góc nhọn, cho nên còn có tên “Độc giác liên”; lá có cuống dài. Phiến lá có 3 góc. Hoa nhỏ. Thân rễ hình trứng hoặc hình thoi, bên ngoài phủ một lớp vảy màu xám. Cây sống ở nơi ẩm ướt trong rừng hoặc được trồng ở một số địa phương thuộc tỉnh Hà Nam và Sơn Đông, Thiểm Tây (Trung Quốc). Vào tháng 7-8, đào lấy thân rễ (củ), cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp, ngâm trong nước sạch; ngày thay nước 2-3 lần. Khi củ mềm, lấy ra ngâm với nước phèn chua đến hết vị tê, cay, xếp vào ang sành, cứ một lớp củ lại lớp gừng tươi thái phiến và phèn chua theo tỷ lệ 100kg bạch phụ, 25kg gừng tươi, 12,5-25kg phèn chua; thêm nước sạch đủ ngập. Ngâm 3-4 tuần lễ. Lấy ra, cho vào nồi nhôm, thêm nước, đun kỹ. Đổ củ ra, bỏ gừng, phơi đến 6 phần khô, ủ mềm, thái phiến.

Tránh nhầm lẫn những dược liệu có tên phụ tửCây kê tâm bạch phụ (bạch phụ tử, đại bán hạ).

Theo YHCT, kê tâm bạch phụ vị cay, ngọt, tính ôn, nhiệt, có độc. Tác dụng trừ phong, trấn kinh. Liều dùng 1-1,5g. Trị đau đầu dữ dội, đầu đau căng, giật; trúng phong, miệng, mắt méo xệch, bán thân bất toại, uốn ván. Phối hợp với bán hạ (chế), thiên nam tinh (chế), toàn yết 2 con. Sắc uống ngày 1 thang. Không dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.

Bạch phụ tử, hay Dầu mè đỏ, San hô (Jatropha multiphida L.), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây nhỡ, nhẵn, cao đến 6m. Lá xẻ hình chân vịt, sâu; các thùy có nhiều răng hẹp, cuống dài bằng lá. Cụm hoa hình xim, dạng tán, có cuống dài mang hoa đơn tính, màu đỏ. Quả nang, hình trứng ngược. Cây được trồng làm cảnh, nhiều nơi ở nước ta. Bộ phận dùng là rễ củ. Rễ có tính độc, do chứa acid cyanhydric.

Bạch phụ tử có vị cay, ngọt, rất nóng, có độc. Tác dụng tán ứ, tiêu thũng, chỉ huyết. Trị cảm lạnh, mất tiếng, trúng phong, co cứng, bại liệt, đau tim do huyết ứ và các bệnh phong ở đầu mặt... Trị tim đau do máu ứ nguy cấp: bạch phụ tử, nhục quế, đương quy mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh