Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Thanh hao

Thanh hao còn có tên khác là thanh cao, thảo cao, hương cao (Herba Artemisiae apiaceae). Vị thuốc là cả cây thanh cao (Artemisia apiacea Hance.), thuộc họ cúc (Asteraceae). Ở Việt Nam, một số địa phương trồng cây thanh hao hoa vàng (Artemisia annua L.), thuộc họ cúc. Cây có tác dụng tương tự loài Astemissia apiacea Hance; đồng thời làm nguyên liệu để chiết Astemisinin, từ đó bán tổng hợp astesunat có tác dụng chống sốt rét.

Con sâu nhỏ trong thân cây gọi là thanh cao trùng, giống như con tằm nhỏ, thường được bắt trước tiết bạch lộ 10 - 15 ngày; thanh cao trùng có tác dụng thanh nhiệt trấn kinh.

Theo Đông y, thanh cao vị cay đắng, tính hàn. Vào kinh can và đởm. Có tác dụng thanh nhiệt, chống nắng; có tác dụng cắt cơn sốt rét, bổ hư lao, giúp tiêu hóa, thông khí trệ. Liều dùng: 12-63g.

Thanh hao - Thuốc thanh nhiệt, chống nóngThanh hao hoa vàng

Một số bài thuốc trị bệnh từ cây thanh cao

Thanh nhiệt, trị đau xương: Trường hợp nhiệt khu trú ở phần âm, xương đau nóng, sốt nhẹ.

Bài 1: thanh cao 20g, miết giáp 63g, sơn dược 20g, hồng táo 125g, ruột dê 63g. Sắc uống, nhiều ngày. Trị lao phổi hư nhiệt, ra mồ hôi trộm.

Bài 2 - Bột thanh cao: thanh cao 12g, miết giáp 12g, dài hồ 8g, hoàng liên 4g, hoàng kỳ 12g, tang bạch bì 12g, bạch truật 12g, chi tử phấn 12g, tri mẫu 12g, địa cốt bì 12g, cam thảo 8g, long đởm thảo 8g. Sắc uống. Trị đau xương, nóng sốt nhẹ, ngày nhẹ đêm nặng.

Bài 3: thanh cao 20g, mạch môn 15g, đảng sâm 12g, sinh địa 15g, gạo sống 15g. Sắc uống 3 lần trong ngày (Diệp Quyết Tuyền). Chữa sốt do bệnh phổi, đổ mồ hôi trộm.

Trừ nhiệt, chống nắng: Dùng cho chứng nóng nực gây trúng nắng, trẻ em mùa hè phát sốt.

Bài 1 - Thuốc thanh lương điều thử: thanh cao 12g, liên kiều 12g, bạch biển đậu 12g, bạch phục linh 12g, hoạt thạch 16g, sinh cam thảo 8g, thông thảo 8g, dưa hấu quả 12g. Sắc uống. Trị người phát sốt ra mồ hôi, miệng khát, đầu váng, nhức đầu, mạch hồng hoặc mau, khi nóng nực mới phát.

Bài 2: thanh cao 12g, địa cốt bì 12g, tri mẫu 12g, mạch đông 12g, bạch vị 12g. Sắc uống. Trị chứng nhiệt mùa hè phát sốt, miệng khát, đái nhiều, lao phổi, buổi chiều sốt nhẹ. Trẻ em dùng liều giảm 1/4, 1/3 đến 1/2 liều của người lớn.

Bài 3: thanh cao tươi 20g, liên tiền thảo tươi 20g. Sắc uống. Trị các chứng nhiệt do oi bức ở trẻ em, miệng khát, tiêu chảy, tiểu tiện ít mà đỏ.

Lợi mật, cắt cơn sốt rét:

Bài 1: thanh cao 63g. Sắc uống. Chữa sốt rét.

Bài 2 - Thang thanh cao miết giáp: thanh cao 12g, miết giáp 16g, tri mẫu 12g, sinh địa 20g, đơn bì 12g. Sắc uống. Trị sốt rét; có thể dùng cho bệnh do ôn nhiệt, đêm nóng sáng mát, sốt lui không có mồ hôi, lưỡi đỏ rêu vàng, môi miệng khô ráo.

Bài 3: cây thanh hao 100g, lá thường sơn 100g, thảo quả 80g, hà thủ ô trắng 50g, hạt cau 30g, vỏ chanh 30g, miết giáp 20g, cam thảo nam 30g. Tán bột. Ngày dùng 40g. Trị sốt rét.

Chữa sẩn rát trên da, ghẻ ngứa, mụn độc do đơn mẩn, bỏng: lá thanh cao non giã lấy nước, bôi ngoài.

Trị kinh phong cấp tính của trẻ em: thanh cao trùng vài chục con (40g), chu sa 0,4g. Nghiền chung làm hoàn to bằng hạt thóc (2g). Trẻ còn bú mẹ, ngày uống 3 - 5 lần, mỗi lần 1 - 2 hoàn, mài tan với sữa mẹ hoặc lấy câu đằng 4g, thuyền thoái 8g, cam thảo 4g, sắc với nước, hòa với viên hoàn cho uống.

Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn dùng thận trọng.

TS. Nguyễn Đức Quang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét